Thành tựu về Nghiên cứu Khoa học
Từ những ngày đầu thành lập Trường Quân y sỹ Việt Nam (năm 1949), hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được Nhà trường quan tâm, xác định là một nhiệm vụ quan trọng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, công tác nghiên cứu vẫn được duy trì và nền nếp, đúng hướng và đảm bảo chất lượng. Nhiều đề tài nghiên cứu đã được triển khai, ứng dụng thành công góp phần bảo đảm quân y, cứu chữa thương bệnh binh khi đế quốc Mỹ sử dụng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại vào Việt Nam. Trong 4 năm (1965-1968) Nhà trường đã thực hiện gần 170 đề tài nghiên cứu, hoàn thành đúng tiến độ 84% đề tài, trong đó có 60% đề tài được đưa vào thực tiễn.
Đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới. Công tác nghiên cứu khoa học hướng tới các kỹ thuật có chuyên môn cao, hợp tác nhiều ngành, trao đổi giao lưu khoa học kỹ thuật với các đơn vị bạn,…
Bước sang thế kỷ XXI, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện đã được khẳng định và từng bước phát triển toàn diện. Nghiên cứu có ảnh hưởng lớn sang ứng dụng điều trị, phòng chữa bệnh và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu cho Học viện cũng như toàn ngành quân y. Học viện chú trọng ứng dụng và phát triển các kỹ thuật, khoa học và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Y học quân sự và y dược tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao ngang với các nước đứng đầu ASEAN, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Các lĩnh vực nghiên cứu của Học viện đã triển khai và gặt hái được nhiều thành công như:
– Phát triển các kỹ thuật, khoa học và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực Y học quân sự: Các nghiên cứu về dioxin, nghiên cứu đảm bảo sức khỏe cho bộ đội các quân binh chủng, đặc biệt là bộ đội làm việc với các phương tiện quân sự mới như máy bay Su-30, tàu tấn công lớp Gerpard, tàu ngầm lớp Kilo…Nghiên cứu đảm bảo sức khỏe cho bộ đội trong các điều kiện cực hạn hay như các nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cho bộ đội….
– Là đơn vị thực hiện 5 ca ghép tạng đầu tiên trên người ở Việt Nam. Tháng 01/2004, là ca ghép gan, bệnh nhân ghép gan đã sống gần 20 năm. Cụm công trình ghép tạng của Học viện Quân y đã được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ. Năm 2010, là ca ghép tim và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì. Ngày 01/3/2014, là ca ghép tụy – thận trên người từ người cho chết não. Ngày 21/02/2017, là ca ghép phổi từ người cho sống và ngày 31/10/2020 là ca ghép ruột đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tại Học viện Quân y. Năm 2017, nhân dịp tổng kết thành tựu 25 năm ghép tạng tại Việt Nam, Hội Ghép tạng Việt Nam đã trao Bằng xác lập và biểu tượng Kỷ lục Việt Nam cho tập thể Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103 và 5 cá nhân.
– Can thiệp nội mạch: Chỉ trong 10 năm gần đây, hầu hết các kỹ thuật can thiệp mạch đang thực hiện tại Việt Nam đều đã được thực hiện ở Bệnh viện Quân y 103. Đặc biệt can thiệp mạch trong các bệnh tim mạch có những bước tiến vượt bậc có thể sánh ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.
– Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc: Năm 2010, Viện Bỏng Quốc Gia Lê Hữu Trác thực hiện thành công nghiên cứu biệt hoá các TBG biểu mô và TBG trung mô từ màng dây rốn thành các tế bào da và chế tạo các vật liệu tương đương da để áp dụng cho điều trị vết thương da. Từ nghiên cứu trên, các nhà khoa học của bệnh viện đã mở rộng ứng dụng sang các TBG từ mô mỡ tự thân để điều trị các vết thương mạn tính. Ngoài ra, BVQY103 đã triển khai ứng dụng TBG mô mỡ vào điều trị thoái hóa khớp gối triển khai trên lâm sàng. Trong những năm gần đây, Học viện tiếp tục ứng dụng nghiên cứu TBG trong điều trị các bệnh không đáp ứng hoặc đáp ứng kém các biện pháp điều trị kinh điển. Điển hình là ứng dụng TBG trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
– Công nghệ sinh học: Đã có bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây, góp phần đưa y học Việt Nam sánh tầm thế giới. Một số kết quả nổi bật như ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền và bệnh ung thư. Thành công của các công trình NCKH này đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình, nhiều em bé đã được ra đời mạnh khỏe nhờ thụ tinh nhân tạo.
– Xây dựng, ứng dụng các quy trình kỹ thuật để dự phòng các bệnh mới phát sinh, bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi: Học viện Quân y đã nghiên cứu và đã chế tạo thành công các bộ sinh phẩm chẩn đoán được các mầm bệnh nguy hiểm cho y tế tuyến cơ sở và quân y tuyến đơn vị. Với công nghệ RPA (Recombinase polymerase amplification) Học viện đã phát triển thành công phương pháp chẩn đoán nhanh, chính xác, thiết bị gọn nhẹ, dễ mang đi giúp chẩn đoán được O. Tsutsugamushi, Streptococcus suis, não mô cầu, xoắn khuẩn gây bệnh sốt lepto.
Học viện Quân y cũng nghiên cứu sản xuất thành công nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe phục vụ bộ đội và nhân dân với chất lượng tương đương sản phẩm nhập khẩu cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.
– Hoạt động sáng chế, giải pháp hữu ích cũng được quan tâm. Trong 75 năm qua, Học viện có hàng chục Bằng độc quyền sáng chế và rất nhiều giải pháp hữu ích được bảo hộ.
– Hoạt động KHCN của cán bộ trẻ và sinh viên luôn được tạo điều kiện. Đã có hàng trăm đề tài của cán bộ, giảng viên, học viên, tham gia đã đạt giải xuất sắc và được khen thưởng. Học viện thường xuyên là nhà trường trong top đầu toàn quân, toàn quốc đạt được thành tích cao nhất khi tham gia các giải thưởng, hội nghị về KH&CN và được tặng bằng khen của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
– Hoạt động hợp tác nghiên cứu, trao đổi kỹ thuật với các đơn vị trong và ngoài nước cũng được tăng cường. Đến nay, Học viện Quân y đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều nước trên thế giới và từ năm 2020 tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Việc tham gia thực hiện gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đã và đang ghi được nhiều dấu ấn, góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế.
– Công nghệ thông tin luôn được chú trọng. Nhiều hệ thống phần mềm đã triển khai ứng dụng hiệu quả tại Học viện phục vụ công tác quản lý đào tạo, chỉ huy điều hành: hệ thống thi trắc nghiệm; hệ thống GD&ĐT theo tín chỉ; phần mềm ra đề thi; các phần mềm hội thi, hội thao, e-learning, học trực tuyến phòng chống Covid,…
Với những thành tích đó, Học viện Quân y đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban, Ngành ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quí như: Đơn vị 3 lần Anh hùng LLVTND; 2 lần được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao vàng, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Quân công hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, … (J1 bổ sung). Hơn 50 lượt đơn vị được tặng Huân chương các loại; nhiều đơn vị, tổ chức quần chúng được tặng Cờ thưởng của BQP, TCCT; Bằng khen của Chính phủ và của các Bộ, Ngành, trong và ngoài Quân đội.