Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội

1. Chỉ huy đơn vị
Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội: Đại tá, PGS.TS. BS CKII,Thầy thuốc ưu tú, Trịnh Thế Sơn
Phó Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Mô phôi: Đại tá, Tiến sỹ, Bác sĩ CKII, Nguyễn Thanh Tùng
Phó Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Mô phôi: Đại tá, Tiến sỹ, Bác sĩ CKII, Đoàn Thị Hằng
Chủ nhiệm Bộ môn Mô phôi: Đại tá, PGS.TS. Thầy thuốc ưu tú, Quản Hoàng Lâm
2. Truyền thống đơn vị
Viện Mô phôi Lâm sàng Quân đội, tiền thân là Bộ môn Tổ chức học được thành lập vào ngày 27/4/1968, do Đại uý, Bác sỹ Nguyễn Ngọc Hiền làm Chủ nhiệm bộ môn.
Sau khi thành lập, Bộ môn Tổ chức học, sau này là Bộ môn Mô phôi cùng các Bộ môn khác của Trường đại học Quân y bắt tay vào xây dựng chương trình và cơ sở vật chất để giảng dạy với số giáo viên ít ỏi chỉ có 2 bác sĩ với những giáo trình y khoa bằng tiếng Việt đầu tiên được các thầy biên soạn, đúc rút kinh nghiệm từ những tài liệu nước ngoài để truyền trao cho các thế hệ học trò.
Trong những lớp học mái lá phên tre, Giáo viên giảng dạy, hướng dẫn thực tập mô phôi học cho học viên ngay trong những nhà lán làm tạm, hoặc những giảng đường nửa chìm nửa nổi, trải ra suốt dọc 2 bên bờ sông Nhuệ, không khí huấn luyện, nghiên cứu diễn ra sôi nổi suốt ngày đêm.
Đầu năm 1972 đế quốc Mỹ điên cuồng dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội, Bộ môn lại một lần nữa cùng nhà trường đi sơ tán. Một số đồng chí được phân công hướng dẫn các khoá học viên phục vụ cứu chữa thương bệnh binh ở các tuyến lửa…
Vượt lên trên bom đạn của chiến tranh, cán bộ, giảng viên Bộ môn Mô phôi trong những năm tháng ấy vô cùng tự hào khi đã góp phần vào công cuộc đào tạo của trường Đại học Quân Y hàng vạn sỹ quan quân y phục vụ cho quân đội và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…
Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, từ năm 1971, Bộ môn đã tham gia một số đề tài, đặc biệt là nghiên cứu tổn thương do phóng xạ, chất độc hóa học dioxin ảnh hưởng đến quá trình phát triển của phôi động vật. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần cho đại biểu Việt Nam tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ trong một số Hội nghị quốc tế…. Từ những kết quả nghiên cứu thuốc điều trị bệnh nhân bị bệnh phóng xạ, Bộ môn đã nghiên cứu thành công thuốc hỗ trợ điều trị ung thư Phylamin. Sản phẩm được Bộ y tế cho lưu hành và được Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cấp bằng phát minh sáng chế, Công ty Dược liệu Trung ương I sản xuất hàng triệu viên thuốc cung cấp cho người bệnh… Công tác nghiên cứu khoa học trong giai đoạn này cũng đã được đặt ra. Bộ môn tập trung nghiên cứu áp dụng làm các loại tiêu bản thông thường cũng như các loại tiêu bản đặc biệt: các thành phần mô thần kinh, các loại tế bào biểu mô, các cơ quan nội tiết, tiêu bản phôi, các tiêu bản hoá mô như nhuộm glycogen, ADN, ARN, mỡ, phosphataze… Nhờ đó, từ những năm đầu thập niên 70 trở đi, Bộ môn đã hoàn toàn sử dụng tiêu bản tự làm để phục vụ huấn luyện. Khi tổng kết đề tài này, Bộ môn đã được nhà trường khen thưởng. Từ năm 1971, Bộ môn đã tham gia một số đề tài nghiên cứu y học quân sự, đặc biệt là nghiên cứu những ảnh hưởng của chất độc 2.4.5T đến quá trình phát triển của phôi động vật. Kết quả nghiên cứu này đã góp phần để các đoàn ngoại giao của ta tố cáo tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ trên nhiều Hội nghị quốc tế.
Đất nước thống nhất, hòa bình, Quân đội ta từng bước đi vào xây dựng chính quy. Cùng với sự đi lên mạnh mẽ của Học viện Quân y, Bộ môn Mô phôi cũng đứng trước những yêu cầu phát triển mới. Từ giữa những năm 1980 cho tới nay, trong thời kỳ đất nước Đổi mới, yêu cầu và các điều kiện để tổ chức bồi dưỡng lực lượng cán bộ quân y ngày càng có yêu cầu cao hơn và chuyên sâu hơn. Ngoài các lớp Bác sỹ dài hạn và Chuyên tu, Bộ môn đã tập trung nhiều công sức tham gia đào tạo các khoá Chuyên khoa I, II, các khoá Cao học và Nghiên cứu sinh, đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép Bộ môn được đào tạo Tiến sỹ chuyên ngành Mô phôi.
Bộ môn còn tham gia đào tạo các khoá Bác sỹ cơ sở để cung cấp Bác sỹ cơ sở cho quân đội và ngành y tế. Ngoài ra, Bộ môn còn hỗ trợ, giúp một số trường Đại học, Cao đẳng, Trung học Y tế như Cao đẳng Y tế Nam Định, Đại học y Bắc Thái, Trường Trung học Quân y I… trong bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa mô học.
Do sự phát triển chung của Học viện và đòi hỏi của nhu cầu khám và điều trị cho quân nhân và các đối tượng nhân dân, trên cơ sở Dự án Công nghệ Phôi giai đoạn 1998-2001 của Ủy ban Quốc gia Dân số, Gia đình – Trẻ em và đề nghị của Học viện Quân y, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định số 3178/2001/QĐ-BYT ngày 24/7/2001 về “Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phục vụ điều trị vô sinh cho các đối tượng là quân nhân và nhân dân khu vực”. Sau đó, Bộ Y tế cho phép tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án “Thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phục vụ điều trị vô sinh cho các đối tượng là quân nhân và nhân dân” với các mục tiêu: Khám, sàng lọc, chỉ định và tư vấn cho các cặp vợ chồng có chỉ định điều trị vô sinh áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, theo dõi sự phát triển của nang noãn và chọc hút noãn đảm bảo an toàn, thực hiện kỹ thuật lấy tinh trùng, lọc rửa tinh trùng, lưu trữ và bảo quản tinh trùng phục vụ thụ tinh trong ống nghiệm; thực hiện kỹ thuật tạo phôi trong ống nghiệm và chuyển phôi vào buồng tử cung; theo dõi sự phát triển của phôi thai và tư vấn cho sản phụ mang thai; theo dõi đánh giá kết quả của kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo các chỉ số chuyên môn. Từ đây, Trung tâm là đơn vị thứ 3 trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên ra đời từ năm 2002.
Với sự phát triển của Bộ môn trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội, ngày 15/ 02/ 2005, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 148/QĐ-TM chính thức nâng cấp Bộ môn Mô phôi thành Trung tâm Đào tạo – Nghiên cứu Công nghệ phôi. Đại tá, GS.TS.NGND Trần Văn Hanh làm Giám đốc Trung tâm đến năm 2008 và sau đó là Đại tá, PGS.TS.TTƯT Quản Hoàng Lâm. Đại tá GS.TS.NGƯT Nguyễn Đình Tảo làm Phó Giám đốc Trung tâm đến năm 2016. Cũng trong năm 2016, đồng chí Thượng tá, TS.BS Nguyễn Thanh Tùng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm.
Đây là Trung tâm đầu tiên của Quân đội có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo các bác sỹ đa khoa chuyên ngành mô phôi, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến mô phôi, khám tư vấn và điều trị vô sinh, hiếm muộn cho bộ đội và nhân dân. Trung tâm được đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị y tế hiện đại và đồng bộ. Trung bình mỗi năm, trong giai đoạn này, Trung tâm đã khám và điều trị cho hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Tiếp nối theo đó là các thành công, năm 2005, em bé đầu tiên sinh ra bằng kỹ thuật PESA/ ICSI… cùng năm là em bé đầu tiên sinh ra từ phôi đông lạnh…; Năm 2007, áp dụng nuôi cấy tinh tử; Năm 2012 em bé đầu tiên sinh ra bằng kỹ thuật Micro Tese; Năm 2015 em bé đầu tiên sinh ra khỏe mạnh với kỹ thuật chẩn đoán phôi tiền làm tổ, chẩn đoán di truyền bệnh đơn gen, giúp cho các cặp vợ chồng mang gen bệnh hiếm gặp có cơ hội sinh ra những em bé khỏe mạnh.
Với nhiều thành tích đạt được của đơn vị và căn cứ vào yêu cầu, nhu cầu ngày càng tăng, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định nâng cấp Trung tâm Đào tạo nghiên cứu công nghệ phôi thành Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội với biên chế mới và nhiệm vụ mới theo quyết định số 1441/QĐ-TM ngày 26/09/2017 của Bộ Tổng Tham mưu. Chức năng, nhiệm vụ của Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội là: Huấn luyện, đào tạo đại học và sau đại học về chuyên ngành Mô phôi; Nghiên cứu khoa học về Mô phôi; khám, tư vấn, điều trị hiếm muộn, vô sinh cho bộ đội và nhân dân.
Ban Giám đốc Viện được kiện toàn với 03 đồng chí. Giám đốc Viện là Đại tá, PGS.TS. Quản Hoàng Lâm. Hai đồng chí Phó Giám đốc là Đại tá, TS. Nguyễn Thanh Tùng và Trung tá, PGS.TS. Trịnh Thế Sơn.
Giai đoạn này, trong nhiệm vụ điều trị vô sinh hiếm muộn, Viện đã triển khai thường quy các kỹ thuật như thu tinh trùng từ mào tinh, thu tinh trùng từ tinh hoàn bằng vi phẫu (microTESE), lưu trữ tinh trùng, lưu trữ phôi, noãn, thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm an toàn tuyệt đối. Áp dụng kỹ thuật xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi đối sàng lọc bệnh di truyền đơn gen như Thalassemia, Hemophilia, Teo cơ tủy, loạn dưỡng cơ Duchen… cho hàng trăm lượt bệnh nhân. Đến nay, đã có trên 10.000 cháu bé ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó 5.000 cháu ra đời từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Tháng 9/2021, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm đồng chí Thượng tá, PGS.TS. Trịnh Thế Sơn làm Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội. Đại tá, TS. Nguyễn Thanh Tùng tiếp tục giữ cương vị Phó Giám đốc. Tháng 7/2022, Thượng tá, TS. Đoàn Thị Hằng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc.
Từ ngày 01/01/2023, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội triển khai hạch toán độc lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị dự toán cấp 4 với mục tiêu: Phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có của Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ khác; Chủ động trong việc cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Quân ủy trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Quân y, dự án “Đầu tư xây dựng Viện Mô phôi lâm sàng quân đội” tại khu đất 2.1ha đang từng bước được triển khai.
3. Chức năng, nhiệm vụ
Theo quyết định số 1441/QĐ-TM ngày 26/09/2017 của Bộ Tổng Tham mưu. Chức năng, nhiệm vụ của Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội là:
– Huấn luyện, đào tạo đại học và sau đại học về chuyên ngành Mô phôi
– Nghiên cứu khoa học về Mô phôi
– Khám, tư vấn, điều trị hiếm muộn, vô sinh cho bộ đội và nhân dân.
4. Danh sách giảng viên
TT Học hàm, Học vị Họ và tên Năm sinh Giới tính Chuyên ngành Vai trò
1 PGS. TS Trịnh Thế Sơn 1973 Nam Mô Phôi thai học Giảng viên
2 PGS. TS Quản Hoàng Lâm 1967 Nam Mô Phôi thai học Giảng viên
3 TS Nguyễn Thanh Tùng 1970 Nam Mô Phôi thai học Giảng viên
4 TS Trịnh Quốc Thành 1970 Nam Mô Phôi thai học Giảng viên
5 TS Đoàn Thị Hằng 1975 Nữ Mô Phôi thai học Giảng viên
6 TS Dương Đình Hiếu 1976 Nam Mô Phôi thai học Giảng viên
7 Thạc sĩ Nguyễn Thị Thục Anh 1981 Nữ Mô Phôi thai học Giảng viên
8 Thạc sĩ Lê Thanh Huyền 1982 Nữ Mô Phôi thai học Giảng viên
9 Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Diệp 1987 Nữ Mô Phôi thai học Giảng viên
10 Thạc sĩ Lê Phúc Linh 1987 Nam Mô Phôi thai học Trợ giảng
11 Thạc sĩ Phạm Văn Quyết 1986 Nam Mô Phôi thai học Trợ giảng
12 Thạc sĩ Đỗ Ngọc Lan 1987 Nữ Mô Phôi thai học Trợ giảng
13 BSCK1-BSNT Hoàng Văn Ái 1994 Nam Mô Phôi thai học Trợ giảng
5. Thành tích tiêu biểu
Huân chương chiến công Hạng ba
Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Hạng ba
Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2002
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2018
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2002
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2009
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 2010
Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng năm 2016
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2002, 2010
Đảng uỷ Quân sự Trung ương tặng cờ “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh tiêu biểu giai đoạn 2005-2010”
Đạt danh hiệu đơn vị Quyết thắng 18/44 năm, trong đó liên tục 5 năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012.
Học viện Quân y tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009”
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam VIFOTEC 2014 về “Nghiên cứu qui trình nuôi cấy, biệt hoá tế bào gốc sinh tinh để điều trị vô sinh nam giới”
Giải Bạc Sáng tạo Khoa học Quốc tế tổ chức tại Seul 2013 về Nghiên cứu qui trình nuôi cấy, biệt hoá tế bào gốc sinh tinh để điều trị vô sinh nam giới.
Được trao danh hiệu “10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam năm 2008” cho em bé nuôi cấy tinh tử đầu tiên ra đời tại Trung tâm tháng 12/ 2007
Bằng độc quyền sáng chế về “Phương pháp phân lập tế bào gốc sinh tinh từ ống sinh tinh của tinh hoàn” năm 2014
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích về “Quy trình sàng lọc bệnh teo cơ tủy từ phôi thụ tinh trong ống nghiệm” năm 2018
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích về “Qui trình nuôi cấy phôi và thu hồi ADN từ phôi để sàng lọc di truyền không xâm lấn” năm 2022
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam VIFOTEC 2017 về “Nghiên cứu qui trình chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi”.
6. Liên hệ
Địa chỉ: Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Số 222 Đường Phùng Hưng, Phúc La, Hà Đông, Hà Nội.
Số điện thoại: 024 6329 6588
Email: vienmplsqd@vmmu.edu.vn
Website: vienmophoi.hocvienquany.edu.vn

7. Các thông tin khác
Ảnh nổi bật của đơn vị, có chú thích: Theo tệp gửi kèm
Video giới thiệu đơn vị: Theo tệp gửi kèm