Sinh học – Di truyền y học

  1. Chỉ huy đơn vị:
  • Chủ nhiệm Bộ môn: PGS.TS. BS. Trần Văn Khoa
  • Phó chủ nhiệm Bộ môn: TS. Lê Thị Kim Dung
  1. Truyền thống đơn vị

Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy kiến thức sinh học cơ bản cho các lớp đào tạo bác sỹ quân y những khóa đầu tiên của trường Đại học quân y, một tổ giảng viên, kỹ thuật viên đã bắt đầu giảng dạy Sinh học từ năm 1965 do đồng chí Nguyễn Qúy Nhượng làm tổ trưởng. Ngày 20 tháng 06 năm 1968 khoa Khoa học cơ bản được thành lập do đồng chí đại úy bác sỹ Cung Bỉnh Trung làm chủ nhiệm, trong đó có tổ Bộ môn Sinh học. Từ đó, ngày 20 tháng 6 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của Bộ môn.

Trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1970 đội ngũ giáo viên của Bộ môn đã chính thức biên chế gồm 5 đồng chí: Cung Bỉnh Trung, Nguyễn Quý Nhượng, Nguyễn Đình Khán, Nguyễn Trần Chiến,Vũ Xuân Khôi và hai đồng chí kỹ thuật viên. Bộ môn đã tham gia giảng dạy cho các lớp đào tạo bác sỹ Quân y dài hạn từ các khóa 63, 64, 65.

Nhằm đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới trong việc giảng dạy kiến thức khoa học cơ bản cho các đối tượng đào tạo trong giai đoạn mới, vào trung tuần tháng 12 năm 1970 nhà trường đã quyết định tách khoa Khoa học cơ bản thành 4 Bộ môn độc lập là: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh vật. Từ đây, Bộ môn Sinh vật học đã chính thức được thành lập với tư cách là một Bộ môn chuyên môn độc lập trực thuộc sự lãnh đạo chỉ huy của Đảng ủy, Ban giám đốc trường Đại học Quân y trước đây và Học viện Quân y ngày nay.

Địa điểm đóng quân và cũng là nơi đặt phòng thí nghiệm thực hành trong thời gian sơ tán, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lúc này là Trại Nhãn, thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì ngoại thành Hà Nội, gần nơi có đền thờ nhà giáo –nhân danh nổi tiếng Chu Văn An.

Trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến năm 1978, đội ngũ giáo viên, kỹ thuật viên, công vụ đã có những biến động đáng kể. Một số đồng chí cũ đã rời khỏi Bộ môn do nhu cầu thuyên chuyển công tác, chuyển ngành hoặc ra quân , một số đồng chí khác được tiếp nhận về Bộ môn như: Đặng Chí Thành, Nguyễn Văn Quát, Huỳnh Thu Lương, Vũ Văn Diệu, Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Hồng Bân, Hoàng Xuân Tẩm, Đinh Thị Phương Thảo, Lê Thu Hồng, Nguyễn Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Bấm.

Sau 8 năm thử thách trong thực tiễn công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Bộ môn Sinh vật đã tồn tại và trưởng thành về mọi mặt. Cho đến tháng 5 năm 1978, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định chính thức thành lập Bộ môn Sinh học – Di truyền y học cho đến ngày nay.

Trong quá trình hình thành và phát triển, bộ môn luôn chú trọng công tác xây dựng đội ngũ. Bộ môn rất vinh dự có đồng chí Cung Bỉnh Trung là người bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ tại Học viện Quân y và cũng là người bảo vệ thành công luận án phó tiến sỹ y học đầu tiên ở trong nước  vào tháng 8 năm 1980.

Do nhu cầu của công tác giảng dạy cho cả đối tượng dài hạn Y và Dược, năm 2017, Bộ quốc phòng phê duyệt biểu biên chế mới, trong đó Bộ môn Sinh học – Di truyền y học được tổ chức bao gồm 2 khoa: Y sinh học di truyền và Thực vật học.

Chỉ huy, lãnh đạo Bộ môn, khoa qua các thời kỳ:

STT

Họ và tên

Chức vụ

Phó CNBM/ CNK

CNBM

1

Đại tá PGS.TS. Cung Bỉnh Trung

 

1978-1988

2

Đại tá TS. Nguyễn Trần Chiến

1984-1988

1989-6/2007

3

Đại tá TS. Đặng Chí Thành

1988-6/2007

Phụ trách CNBM (6/2007-11/2008)

4

Đại tá PGS.TS. Trần Văn Khoa

11/2007-11/2008

11/2008 đến nay

5

Đại tá, TS. Lê Thị Kim Dung

11/2008 đến nay

 

6

Trung tá, TS. Triệu Tiến Sang

11/ 2018 đến nay

 

  1. Chức năng, nhiệm vụ đơn vị

Xây dựng, nội dung, chương trình đào tạo về lĩnh vực Sinh học và Di truyền y học. Tiến hành các hoạt động giảng dạy, biên soạn giáo trình, giáo khoa về Sinh học – Di truyền Y học cho các đối tượng.

Tiến hành các hoạt động nghiên cứu về lĩnh vực Sinh học- Di truyền y học.

Phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Học viện để thực hiện nhiệm vụ.

  1. Danh sách giảng viên

Chủ nhiệm Bộ môn: đồng chí Đại tá, PGS.TS.BS. NGUT. Trần Văn Khoa, phó Bí thư chi bộ.

Phó Chủ nhiệm Bộ môn: đồng chí đại tá,TS.Di truyền học, Lê Thị Kim Dung, Bí thư chi bộ, kiêm giáo vụ Bộ môn.

Nguyễn Thúy Huyền, Thượng tá, ThS. Sinh học.

Đặng Thị Hồng,Thượng tá, ThS. Sinh học.

Nguyễn Thị Thanh Nga, Trung tá, ThS. Sinh học.

Triệu Tiến Sang, Trung tá, TS. Di truyền học, Dược sỹ đại học, Chủ nhiệm khoa Y sinh học di truyền.

Ngô Trường Giang, Thiếu tá, TS. BS. Y Sinh học- Di truyền, bác sỹ, giảng viên.

Nguyễn Thị Việt Hà, Thiếu tá, ThS. Di truyền học.

Nguyễn Hà Hương Ly, Trung úy, CN. CNSH.

5. Thành tích tiêu biểu

5.1. Về đào tạo

Từ năm 1966, Bộ môn đã tham gia giảng dạy Sinh học đại cương cho các khóa dài hạn bác sỹ, dược sỹ (từ khóa Y1, 1961).

Tham gia giảng dạy cho các lớp chuyên tu bác sỹ, cao đẳng Y, kỹ thuật viên trung học, cử nhân xét nghiệm, cử nhân điều dưỡng, kỹ sư điện tử Y sinh, bác sỹ  y học cổ truyền; Tham gia giảng dạy cho các lớp bác sỹ, dược sỹ cho các lớp bạn Lào, Căm- pu- chia; Tham gia giảng dạy môn liên quan cho các lớp chuyên khoa, các lớp cao học, bác sỹ nội trú, nghiên cứu sinh; Tham gia đào tạo cao học, bác sĩ nội trú chuyên ngành Y sinh học di truyền.

Chủ biên, biên soạn nhiều giáo trình phục vụ giảng dạy đại học và sau đại học: Sinh học đại cương, Thực tập Sinh học và Di truyền  y học, Một số chuyên đề Di truyền y học dùng cho đối tượng sau đại học, Các nguyên lý di truyền, Di truyền y học, Sinh học phân tử, Di truyền học hệ thống ứng dụng trong Y dược hiện đại.

5.2. Về nghiên cứu khoa học

Ngay từ khi mới được thành lập Bộ môn đã tiến hành các nghiên cứu khoa học về lĩnh vực Sinh học và Di truyền Y học. Đặc biệt, ngay từ đầu những năm 1970, Bộ môn đã tham gia nghiên cứu hậu quả di truyền các chất độc hóa học của Mỹ rải ở miền nam Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của đề tài là một trong nội dung chính  làm chứng cứ trong bộ phim tài liệu khoa học mang tên “Hai mươi năm sau“ đã được tặng giải thưởng “Bông sen bạc“ trong liên hoan phim Việt Nam, 1983 và giải thưởng “Con rồng bạc“ trong liên hoan phim quốc tế Karatovie tại Ba Lan, 1983.

Cho đến nay, Bộ môn đã chủ trì và tham gia gần 60 đề tài khoa học các cấp, đăng tải được trên 10 bài báo quốc tế và hàng trăm bài báo tại các tạp chí chuyên ngành trong nước; Hướng dẫn nhiều đề tài nghiên cứu sinh, cao học, sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp đạt giải cao. Trong đó, bốn năm liền có đề tài đạt giải cao nhất tại Hội nghị khoa học kỹ thuật tuổi trẻ các trường  y dược toàn quốc các năm 2014, 2016, 2018, 2020; Giải nhất khoa học kỹ thuật tuổi trẻ trong quân đội, 2016; Giải nhì VIFOTEC, được ghi trong sách vàng sáng tạo Việt Nam 2017;  Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 2018 về lĩnh vực chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi bệnh loạn dưỡng cơ tủy cho các phôi thụ tinh trong ống nghiệm; Bằng độc quyền giải pháp hữu ích Chủng vi khuẩn Sertia Sp. HVQY-IGR mang gen mã hóa protein PIGC tái tổ hợp, 2023. Nhiều công trình khoa học có giá trị khoa học và giá trị thực tiễn cao được đưa vào áp dụng phục vụ chẩn đoán và điều trị. Cùng với Viện Mô phôi lâm sàng quân đội, Bộ môn là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi, mang lại hạnh phúc cho hàng trăm gia đình trong toàn quốc, tránh được sinh con bị bệnh di truyền.

5.3. Khen thưởng

Tập thể Bộ môn đã được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba, nhiều năm đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng và được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Học viện, Bộ quốc phòng.

Dưới đây là một số phần thưởng cao quý của tập thể Bộ môn:

TT

Năm

Hình thức, nội dung khen thưởng

Số, ngày, tháng, năm quyết định công nhận danh hiệu thi đua; cơ quan ban hành quyết định

1

1981

Bằng khen năm học

BK số 236, 01/7/1981, Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị

2

1981

Đơn vị Quyết thắng

QĐ số12/4-QP, 29/1/1982, Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 1981,Thứ trưởng BQP

3

1982

Đơn vị Quyết thắng

Ngày 24/12/1982,Thứ trưởng BQP

4

1983

Huân chương chiến công

NQ số 312-KT/HĐNN, 04/5/1983, Chủ tịch nước

  1. Sứ mạng, tầm nhìn, giá trị cốt lõi

6.1. Sứ mạng:

Tham gia đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao; Nghiên cứu khoa học y sinh học di truyền; Ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến Y sinh học di truyền đáp ứng nhu cầu bảo vệ, nâng cao sức khỏe bộ đội và nhân dân.

6.2. Tầm nhìn:

Nỗ lực phấn đấu trở thành đơn vị giảng dạy, nghiên cứu Di truyền y học ngang tầm với các bộ môn Y sinh học di truyền của các trường Y hàng đầu trong cả nước.

6.3. Giá trị cốt lõi:

          Chất lượng, kỷ luật, sáng tạo, hợp tác.