Giải phẫu

  1. Chỉ huy đơn vị

          Chủ nhiệm Bộ môn, Phó bí thư chi bộ: Đại tá, PGS.TS. Trần Ngọc Anh

          Phó chủ nhiệm Bộ môn, Bí thư chi bộ: Trung tá, TS. Đặng Tiến Trường

  1. Truyền thống đơn vị

          Ngày 10/3/1949, Trường Y sĩ liên khu Việt Bắc được thành lập. Trường đóng quân ở thôn Tuần Lũng, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 15/8/1956, Bộ môn Giải phẫu được thành lập. Chủ nhiệm bộ môn đầu tiên là GS. Đỗ Xuân Hợp.

Năm 1951, giáo sư Đỗ Xuân Hợp chính thức nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Quân y sĩ và đồng thời là giảng viên chính về môn giải phẫu và đồng chí đã phụ trách từ năm 1932 tại Trường Đại học Y khoa tại Hà Nội. Việc quyết tâm dạy học bằng tiếng mẹ đẻ đã tạo điều kiện sau này phổ cập khoa học cho con em công nông, thực hiện quyết tâm công nông hóa ngành quân y. Trong những năm 1950 – 1952, các lớp quân y sĩ khóa II, III, IV được chiêu sinh. Các y tá quân y có thành tích được triệu tập về ngày càng nhiều. Đến khóa IV thì toàn bộ học sinh đều là các chiến sĩ trong quân đội được gọi về bổ túc văn hóa và đào tạo cán bộ nghiệp vụ. Chương trình giảng dạy giải phẫu ngày càng được cải tiến, luôn liên hệ với cơ thể sống, với chức năng và thực dụng nội ngoại khoa. Thực tập giải phẫu trong rừng, đi lấy xương ở các nghĩa địa. Trong thời gian này, các đồng chí sinh viên Nguyễn Hữu Mô và Nguyễn Huy Phan được điều về làm trợ lý giải phẫu của bộ môn.

Năm 1955, sau khi chiến thắng thực dân Pháp, giải phóng một nửa đất nước, Trường Quân y sĩ lại triển khai hoạt động ở Hà Nội. Lớp y sĩ khóa V có 295 đồng chí gồm toàn bộ các đồng chí y tá, chiến sĩ có thành tích chiến đấu. GS Đỗ Xuân Hợp được cử đi tham quan ở nước ngoài về tổ chức lãnh đạo một trường quân y cách mạng và hiện đại. Các đồng chí: Nguyễn Huy Phan, Lê Cao Đài, Nguyễn Hữu Mô, Phạm Văn Phúc, Hoàng Bá Hải, Trịnh Văn Luận đều lần lượt thay thế nhau lên lớp bài giảng giải phẫu. Nhà trường đã liên hệ với Trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội nhờ Viện Giải phẫu của trường giúp đỡ cho học sinh được thực tập trên tiêu bản và thi thể. Trong giai đoạn này (1949 – 1956), bộ môn đã giảng dạy được 5 lớp với 693 học sinh và 1440 tiết lên lớp.

Hai năm sau chiến thắng thực dân Pháp, trở về Hà Nội, năm 1956, Trường Sĩ quan quân y đã chính thức thành lập. Trong khi chờ đợi xác định địa điểm xây dựng trường, toàn bộ khung cán bộ chỉ huy và giáo viên đều hoạt động ở Hà Nội tại một bệnh viện tư trên phố Lý Thường Kiệt và khu tập thể ở số 10 phố Chương Dương gần bờ sông (3/1957). Một biên chế khung giáo viên cho bộ môn giải phẫu đã được chỉ định gồm các đồng chí: Trịnh Văn Luận, y sĩ cao cấp và các đồng chí y sĩ trung cấp: Nguyễn Đình Hiếu, Trần Ngọc Liên, Đỗ Văn Giai, Nguyễn Văn Sĩ làm trợ lý giảng dạy. Ngoài ra còn bác sĩ Lê Cao Đài, Phạm Văn Phúc, Hoàng Bá Hải ở lại tham gia giúp đỡ xây dựng bộ môn trong khi chờ đợi công tác mới.

Giai đoạn này là thời kỳ bắt đầu xây dựng bộ môn. Toàn bộ môn đã tập trung vào hai công việc: học tập và nghiên cứu. Phát triển tự học trong đội ngũ giáo viên để bồi dưỡng và nâng cao chất lượng giảng dạy. Tất cả các giáo viên đều học tập sách giáo khoa giải phẫu của giáo sư Đỗ Xuân Hợp để củng cố kiến thức. Ngoài ra các đồng chí giáo viên biết tiếng Pháp cũng tham khảo thêm tài liệu giải phẫu nước ngoài như: Rouvière, Testut, Grégoire, Oberlin, Sarroste Canrillon… để soạn bài giảng giải phẫu. Và kết hợp vừa đọc sách vừa phẫu tích trên tử thi. Lần đầu tiên, trong bộ môn đã phẫu tích các dây chằng khớp để làm tiêu bản thực tập cho học sinh (1960), ngoài ra bộ môn còn phẫu tích các đám rối thần kinh thực vật. Bộ môn còn tiến hành học tập áp dụng các kỹ thuật làm tiêu bản giải phẫu như: kỹ thuật làm xương, làm trắng xương, kỹ thuật tách xương sọ, kỹ thuật làm tiêu bản ăn mòn, kỹ thuật bơm màu phân thùy phổi, kỹ thuật nhuộm màu tiêu bản đại thể về thần kinh, kỹ thuật làm tiêu bản đàn hồi, kỹ thuật làm tiêu bản trong suốt.

Đối với giai đoạn chuyển lên HVQY tới nay. để phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới xây dựng các nhà trường trong quân đội tiến lên chính quy hiện đại, Trường Đại học Quân Y chính thức chuyển thành Học viện Quân y với những nhiệm vụ mới:

– Đào tạo các bác sĩ quân y hệ chính quy (dài hạn 6 năm).

– Đào tạo các cán bộ quân y sau và trên đại học (BS. chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, thạc sĩ và phó tiến sĩ).

          – Nghiên cứu khoa học y học nói chung và y học quân sự nói riêng.

          Bộ môn luôn huấn luyện với khối lượng lớn, hàng năm huấn luyện cho 32-39 đối tượng đại học, sau đại học với số giờ từ 4985 – xấp xỉ 7000 giờ chuẩn; trung bình 870-1562 giờ chuẩn/1 giảng viên/năm, nhiều gấp 3 đến 5,5 lần định mức quy định của. Đối với giảng dạy sau đại học, bộ môn đã đào tạo 36 lượt Cao học, 4 đối tượng bác sĩ nội trú và 39 nghiên cứu sinh. Bộ môn cũng có nhiều cán bộ được phong học hàm Giáo sư (7 đồng chí) và Phó Giáo sư (2 đồng chí). Về học vị, Bộ môn có 11 Tiến sĩ, 2 Thạc sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa II và 5 bác sĩ chuyên khoa I. Nhiều cá nhân đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú (1 đồng chí), Thầy thuốc Nhân dân (2 đồng chí) và được Bộ quốc phòng công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp Bộ (5 lần đối với 3 đồng chí). Nhiều cán bộ được đào tạo tại Bộ môn, sau khi nhận công tác mới đã giữ những vị trí quan trọng tại các cơ quan khác nhau thuộc lĩnh vực y tế.

          Bên cạnh đó chi bộ luôn chú trọng xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, kết hợp xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, quán triệt và triển khai có hiệu quả các chỉ thị nghị quyết của Đảng và chính quyền các cấp. 100% cán bộ, đảng viên, quần chúng của bộ môn nhất trí cao và chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước và kỷ luật của quân đội, tham gia học tập và viết thu hoạch chính trị hàng năm đầy đủ theo quy định. Quy chế dân chủ được đảm bảo tốt, luôn thực hiện công khai, công bằng. Nội bộ đoàn kết thống nhất, tôn trọng và hợp tác giúp đỡ nhau trên cơ sở tình đồng chí, đồng đội

  1. Chức năng, nhiệm vụ

       3.1. Vị trí, chức năng

a) Vị trí: Bộ môn Giải phẫu là Bộ môn trực thuộc Học viện Quân y, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Học viện Quân y, sự quản lý về mọi mặt của Giám đốc Học viện Quân y.

b) Chức năng: Bộ môn Giải phẫu có những chức năng chính sau đây:

– Đào tạo học viên các cấp về giải phẫu cơ bản và nâng cao.

– Nghiên cứu khoa học y học và y học quân sự. Là cơ sở nghiên cứu khoa học về giải phẫu đại thể, giải phẫu vi thể, siêu vi thể và nhân trắc.

3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn

a) Công tác giáo dục, đào tạo

– Căn cứ vào chỉ thị, nghị quyết, chỉ lệnh và quy chế đào tạo của cấp trên, nghị quyết của Đảng uỷ Học viện, mệnh lệnh của Giám đốc Học viện để đảm bảo huấn luyện các kiến thức lý thuyết và thực hành giải phẫu cơ bản và nâng cao cho các đối tượng học viên Đại học và Sau Đại học.

– Tham gia huấn luyện nhân viên y tế của tuyến dưới và các đơn vị khác khi có yêu cầu.

– Biên soạn tài liệu, sách giáo khoa phục vụ huấn luyện.

b) Công tác nghiên cứu khoa học

– Xây dựng và đề xuất các kế hoạch, ý tưởng nghiên cứu về giải phẫu đại thể, giải phẫu vi thể và siêu vi thể, nhân trắc học.

– Quản lý và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu được giao.

– Phối hợp tham gia nghiên cứu theo chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và theo sự thoả thuận với đơn vị khác.

c) Công tác điều trị

Phối hợp tham gia điều trị bệnh nhân theo chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và theo sự thoả thuận với đơn vị khác.

3.3. Mối quan hệ công tác

a) Quan hệ với Đảng uỷ Học viện Quân y và Giám đốc Học viện Quân y là quan hệ phục tùng sự lãnh đạo, chỉ huy.

Bộ môn Giải phẫu chấp hành nghiêm chỉnh các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng uỷ Học viện Quân y và Giám đốc Học viện Quân y, khi được giao nhiệm vụ trực tiếp có trách nhiệm chấp hành và báo cáo kịp thời.

b) Quan hệ với các Phòng, Ban trong Học viện là quan hệ phục tùng sự quản lý nghiệp vụ và phối hợp công tác.

Bộ môn Giải phẫu chịu sự quản lý về mặt nghiệp vụ của các Phòng, Ban chức năng đảm bảo hoạt động theo đúng điều lệnh, điều lệ, pháp luật.

Bộ môn phối, kết hợp chặt chẽ với các Phòng, Ban và được các Phòng, Ban hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi và cung cấp vật tư trang thiết bị cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bộ môn chủ động đề xuất và phối hợp với các phòng nghiệp vụ như phòng Đào tạo, Sau Đại học, Nghiên cứu để xây dựng và hoàn thiện khung chương trình, nội dung, lịch huấn luyện cụ thể trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

c) Quan hệ với các Bộ môn, Khoa trong Học viện là mối quan hệ phối hợp công tác.

Bộ môn Giải phẫu thường xuyên phối, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị khác trong Học viện để triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và thực hiện các nhiệm vụ theo thoả thuận riêng giữa hai đơn vị phục vụ mục đích huấn luyện, nghiên cứu.

  1. Danh sách giảng viên

STT

Họ tên

Học hàm, học vị

1

Trần Ngọc Anh

Phó giáo sư, Tiến sĩ

2

Đặng Tiến Trường

Tiến sĩ

3

Nguyễn Duy Bắc

Giáo sư, Tiến sĩ

4

Tống Quốc Đông

Tiến sĩ

5

Nguyễn Minh Tùng

Tiến sĩ

6

Nguyễn Trung Hưng

Thạc sĩ

7

Hồ Trường Giang

Cử nhân

8

Đặng Xuân Kiên

Tiến sĩ

9

Nguyễn Minh Tâm

Thạc sĩ

10

Nguyễn Văn Điều

Thạc sĩ

11

Ngô Văn Nhật Minh

Bác sĩ nội trú

  1. Thành tích tiêu biểu

         – Danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân do có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (2014)

          – Huân Chương Chiến Công Hạng Nhì do đã có thành tích xuất sắc phục vụ chiến đấu và công tác lao động sản xuất (1979)

          – Huân Chương Bảo Vệ Tổ Quốc Hạng Ba do đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng từ năm 2006 đến năm 2010, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

          – 04 lần nhận cờ thi đua (01 lần do Chủ tịch nước tặng, 03 lần do Bộ quốc phòng tặng).

          – 02 Bằng khen do Bộ Quốc phòng trao tặng (2015, 2016).

  1. Liên hệ

         – Bộ môn Giải Phẫu –  Học viện Quân y – 160 Phùng Hưng – Phúc La – Hà Đông – Hà Nội.

         – Số điện thoại: 0695 66100